Trạm thư tay chữa lành

TP HCMTrong quán cà phê ở quận 1, Yến Phương vừa khóc, vừa “trút” toàn bộ chuyện tình 6 năm tan vỡ của mình vào lá thư viết tay.

Phương viết kín hai mặt giấy. Trong lúc cô viết, nhân viên chỉ đặt khăn giấy lau nước mắt lên bàn và không nói gì. Cô gấp thư, dán tem và đặt vào hộp gỗ góc phòng.

“Viết xong, tôi cảm thấy dễ chịu vì trút hết được cảm xúc mà không bị phán xét”, Phương nói.

Trong lần đi dạo vào đầu năm, cô khám phá ra mô hình kết bạn và tâm sự ẩn danh bằng thư tay trong quán cà phê này. Khi ấy Phương gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống và tình cảm nên quyết định trải nghiệm.

Quán sắp xếp một khu vực riêng gọi là “trạm thư”, ở đó chuẩn bị giấy, bút và các dụng cụ trang trí thư. Ở đây có ba hình thức gồm viết thư chia sẻ nỗi lòng của mình với người lạ, viết thư hồi âm người khác (khách ngẫu nhiên đến quán) hoặc viết thư gửi chính mình trong tương lai. Trạm sẽ giữ thư tối đa 24 tháng với phí dịch vụ 119.000 – 180.000 đồng, tùy theo hình thức.

Những lá thư thường không có thông tin người viết. Tất cả đều trao đổi ẩn danh và được quản lý qua hệ thống mã hóa. Khi có người hồi âm, khách sẽ nhận được thông báo để đến nhận.

Phương đã gửi hơn bốn thư tay để giải tỏa cảm xúc của mình đồng thời cũng viết thư an ủi người khác. Tháng trước, cô bóc lá thư có thông điệp Liệu trái tim của người lớn có phải là con hàu mang vỏ?. Người viết kể chuyện tình yêu của họ. Cô dành một giờ để viết thư trả lời.

“Tôi thích đọc nét chữ nắn nót như đọc được tính cách và cảm xúc của họ”, cô nói. “Nhiều bức nhòe nước mắt. Không biết họ là ai, ở đâu nhưng tôi cảm thấy đồng cảm và vui vì được động viên người khác”.





Trạm gửi thư tay ở quán cà phê thuộc quận 1, TP HCM, chiều 21/11. Ảnh: Ngọc Ngân

Trạm gửi thư tay ở quán cà phê thuộc quận 1, TP HCM, chiều 21/11. Ảnh: Ngọc Ngân

Giữa tháng 6, Kim Ngân, 25 tuổi, nhận được thư hồi âm của người lạ gửi cho mình. Trong thư, người đó kể lại hành trình chữa lành sau bốn tháng chia tay người yêu và động viên cô hãy luôn khám phá và yêu thương bản thân.

“Hồi hộp, mong đợi và hạnh phúc khi ai đó phản hồi”, cô nói.

Ngân thích viết tay, thường viết giấy note dán lên phần ăn sáng, trà sữa tặng đồng nghiệp. Ngân tin thư tay là cách kết nối chân thành bởi giữa thời công nghệ, người ta thường gõ phím và xóa dễ dàng nhưng để viết trên giấy, họ buộc phải suy nghĩ kỹ. Trong ba tháng, Ngân viết bốn bức cho mình và trả lời người khác.

“Tôi cảm thấy lòng mình dịu lại, bình yên”, Ngân nói.





Một bạn trẻ viết thư ở trạm thuộc quận 1, TP HCM, chiều 21/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một bạn trẻ viết thư ở trạm thuộc quận 1, TP HCM, chiều 21/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngân, Phương là những người trẻ được “chữa lành” bằng mô hình kết bạn và tâm sự bằng thư tay đầu tiên ở TP HCM, hoạt động từ cuối năm 2023.

Chị Mỹ Hạnh, 30 tuổi, là người sáng lập “trạm thư”, nói tệp khách hàng chủ yếu là người trẻ độ tuổi 20-27. Họ thường là freelancer, nhân viên văn phòng gặp áp lực trong công việc, gia đình, tình cảm nên tìm đến hình thức này để giải tỏa. Lượng khách tăng nhanh sau một năm, trung bình trạm lưu, nhận 40-50 thư tay mỗi tháng.

Mô hình ra đời dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của giới trẻ về chữa lành. Theo thống kê, Việt Nam có gần 15% dân số (khoảng 15 triệu người) đang mắc các rối loạn về tâm thần, nguyên nhân là các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường. Trong đó, trầm cảm, áp lực phổ biến nhất, chiếm 5-6% dân số.

Hashtag #chualanh, #healing liên tục nằm trong top 100 từ khóa được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất, với hơn 60 tỷ lượt xem. Cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ chữa lành như wellness spa, kết nối đứa trẻ bên trong, tắm rừng, thiền định.

“Thư tay là một cách giải tỏa, lưu giữ cảm xúc sâu và kỹ”, Hạnh nói.

Cô cũng từng gặp áp lực cuộc sống và không biết chia sẻ cùng ai. Hạnh không muốn tâm sự chuyện buồn với bố mẹ, dễ làm họ buồn theo. Tâm sự với bạn bè cũng không phù hợp.

Cô thành lập “trạm thư” với hình thức kể tâm sự với người lạ, giúp khách hàng tìm được người cùng tần số và cảm xúc của họ không bị đánh giá, phán xét. Một số người chọn viết nhưng không gửi, chỉ giải tỏa cảm xúc của chính mình trong khi số khác viết thư kết nối và tìm được bạn bè ngoài đời.

Tháng một lần, Hoàng Việt, 31 tuổi, dành hàng giờ ở trạm để phản hồi thư cho người khác, mỗi bức dài hai đến ba trang giấy. Thư thường được gửi đến những người cô đơn, lạc lõng giữa áp lực của gia đình, đau khổ tình cảm. Việt đóng vai trò là người lắng nghe và hướng họ đến sự tích cực. Anh thường chọn bút máy, viết tỉ mỉ và nắn nót.

“Tôi cảm thấy thú vị bởi thời đại công nghệ vẫn có chỗ cho văn hóa thư tay”, Việt nói. “Đọc tâm sự của người khác và giúp gỡ phần nào nút thắt của họ, tôi thấy vui và nhẹ nhàng”.

Ngọc Ngân


Theo VNexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *