Thực phẩm giúp tăng đề kháng ngày lạnh

Gừng, tỏi, mật ong, nấm hương, táo đỏ, quả giàu vitamin C, súp lơ xanh và hạnh nhân giúp cơ thể ấm, nâng cao đề kháng mùa lạnh.

Để bảo vệ sức khỏe và nâng cao đề kháng trong mùa lạnh sắp đến, ThS.BS.CK2 Kiều Xuân Thy, Phó trưởng Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyên ăn uống cân bằng và sinh hoạt lành mạnh, bổ sung các thực phẩm “vàng”.

Gừng – vị thuốc tán hàn, ôn trung

Gừng từ lâu được biết đến như một vị thuốc với công dụng giữ ấm cơ thể và giảm ho. Gừng có tính cay, ấm, giúp tăng cường tuần hoàn máu và kích thích hệ tiêu hóa, rất phù hợp để sử dụng trong mùa lạnh.

Một ly trà gừng ấm là lựa chọn lý tưởng trong những ngày se lạnh. Có thể sử dụng gừng tươi hoặc gừng nướng. Chỉ cần thái vài lát gừng tươi, hãm với nước nóng và thêm chút mật ong để tăng hương vị. Ngoài ra, gừng có thể được dùng trong cháo hoặc canh để giữ ấm cơ thể, đặc biệt phù hợp cho người có cơ địa lạnh.

Tỏi – kháng sinh tự nhiên

Tỏi có vị cay, tính ấm, có công dụng nổi bật trong việc kháng khuẩn và tiêu viêm, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm khuẩn. Y học cổ truyền xem tỏi như một “kháng sinh tự nhiên” với khả năng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa cảm lạnh và cúm.

Tỏi có thể được sử dụng để ăn tươi, giã nát pha cùng nước ấm hoặc dùng làm gia vị trong món ăn. Bổ sung tỏi vào các món canh, súp cũng giúp tăng cường khả năng phòng bệnh.





Y học cổ truyền xem tỏi như một kháng sinh tự nhiên. Ảnh: Bùi Thuỷ

Y học cổ truyền xem tỏi như một “kháng sinh tự nhiên”. Ảnh: Bùi Thủy

Mật ong – bổ phế, làm dịu cổ họng

Mật ong có vị ngọt, tính bình, bổ phế, làm dịu cổ họng và chống viêm. Đây là thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ đường hô hấp khỏi tác nhân gây bệnh, rất hữu ích trong mùa lạnh.

Pha một thìa mật ong với nước ấm uống vào buổi sáng hoặc tối giúp bổ phế và tăng cường sức đề kháng. Kết hợp mật ong với gừng hoặc chanh sẽ tạo thành thức uống giúp giữ ấm cơ thể và làm dịu cổ họng.

Nấm hương – nguồn dinh dưỡng quý giá

Nấm hương không chỉ là nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực mà còn là loại dược liệu bổ dưỡng trong y học cổ truyền, giúp bổ khí, lợi phế. Nấm chứa nhiều polysaccharides có khả năng kích thích tế bào miễn dịch, tăng cường sức đề kháng.

Nấm hương có thể nấu canh hoặc xào, đặc biệt ngon khi nấu cùng gà hoặc các loại thịt. Một bát canh nấm hương không chỉ bổ dưỡng mà còn giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Táo đỏ – bổ khí, kiện tỳ

Táo đỏ là dược liệu quen thuộc trong đông y, có vị ngọt, tính ôn, tác dụng bổ khí, kiện tỳ, giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những người dễ bị mệt mỏi, kém ăn trong mùa lạnh.

Táo đỏ có thể pha trà cùng gừng hoặc kỷ tử, uống hằng ngày để giữ ấm và bổ sung năng lượng. Táo đỏ cũng có thể nấu cùng cháo hoặc canh, tạo nên món ăn bổ dưỡng.

Các loại quả giàu vitamin C – bảo vệ miễn dịch

Vitamin C là yếu tố không thể thiếu để tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa cảm lạnh. Các loại quả như cam, chanh, bưởi giàu vitamin C, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây hại và tăng cường miễn dịch.

Mỗi sáng, bạn có thể uống một ly nước chanh mật ong hoặc nước cam ép để bổ sung vitamin C. Ngoài ra, có thể ăn trực tiếp hoặc dùng các loại quả này trong món salad.

Súp lơ xanh – tăng cường chống oxy hóa

Súp lơ xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E và khoáng chất, giúp tăng cường khả năng chống lại gốc tự do, bảo vệ cơ thể trong mùa lạnh.

Súp lơ xanh có thể nấu canh hoặc xào đơn giản, kết hợp với gừng hoặc tỏi để tăng cường tác dụng phòng bệnh.

Hạnh nhân – bổ phổi, giữ ấm

Hạnh nhân là loại hạt bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin E và chất chống ô xy hóa, bảo vệ phổi và giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh.

Có thể ăn trực tiếp 10-15 hạt mỗi ngày, hoặc thêm vào món cháo hoặc sữa chua để tăng giá trị dinh dưỡng.

Mỹ Ý


Tham khảo Vnexpress
#thuc-pham-giup-tang-de-khang-ngay-lanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *