Hàn QuốcKhi Jeong Yeon Hong nhấc cánh tay phải lên rồi nghiêng đầu nhìn sang vợ con, mắt Lệ My nhòe đi vì biết suốt một năm sống trong bệnh viện của mình đã được bù đắp.
Trong khoảnh khắc ấy, cậu con trai Min Ho, 10 tuổi, cũng sững sờ rồi reo lên “Ba giỏi quá”.
“Đó là một điều kỳ diệu”, Lệ My, 36 tuổi, quê Lai Vung, Đồng Tháp, nói. Một năm trước, chồng cô, anh Jeong Yeon Hong bị tai nạn nghiêm trọng, tỷ lệ sống chỉ còn 1%, người thân trong gia đình không ai tin anh sẽ qua khỏi, ngoại trừ cô.
Vợ chồng họ quen nhau qua mai mối của người bạn vào mùa xuân năm 2013. Khi đó, Lệ My là kế toán ở TP HCM còn anh Yeon Hong hơn cô 14 tuổi, đang làm kỹ sư công nghệ ở Busan. Ba tháng sau, anh bay sang Việt Nam, họ yêu nhau ngay sau lần đầu gặp gỡ và đính hôn.
My theo chồng sang Hàn đúng dịp lễ Choseok (Trung thu) cùng năm. “Tôi không biết tiếng, một mình ở đất nước xa lạ, cùng thời điểm những vụ chồng Hàn gia trưởng, bạo hành cô dâu ngoại rộ lên khiến gia đình tôi rất lo lắng”, My kể.
Nhưng Jeong Yeon Hong là người yêu gia đình. Anh đăng ký cho My học tiếng Hàn và nghiệp vụ để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống. Mùa đông rét mướt, anh mang về từng túi áo ấm, găng tay loại tốt nhất cho vợ trong khi bản thân chỉ dùng đồ cũ. Khi con trai Min Ho chào đời năm 2014, Yeon Hong gánh vác kinh tế, thời gian rảnh chỉ dành cho vợ con.
“Chúng tôi đã cuộc hôn nhân êm đềm và hạnh phúc”, My nói.
Bi kịch ập tới gia đình họ vào cuối tháng 9 năm ngoái. Jeong Yeon Hong đi gặp đồng nghiệp và về nhà bằng tàu điện ngầm. Ở ga Busan, trong lúc đứng dậy để lên tàu, Yeon Hong bị trượt té, bật ngửa ra sau và đập đầu xuống nền gạch bất tỉnh.
My tức tốc đến bệnh viện và đổ gục ở cửa phòng cấp cứu khi nghe chẩn đoán chồng bị chấn thương sọ não, tiên lượng xấu, phải phẫu thuật gấp.
“Tim tôi như vỡ vụn, khó thở, tay run không thể cầm bút ký giấy phải nhờ anh chồng”, My nhớ lại. Thời gian đó Hàn Quốc đang thiếu bác sĩ trầm trọng do các cuộc đình công, họ phải đợi thêm ba giờ. Trong đêm, Yeon Hong xuất huyết não phải trải qua hai cuộc phẫu thuật liên tiếp.
Hôm sau, bác sĩ gọi gia đình khuyên nên chuẩn bị tâm lý lo hậu sự bởi tỷ lệ sống là 1%. Trong nỗi tuyệt vọng, mẹ Yeon Hong đã chuẩn bị vòng hoa, tin nhắn báo tang và chọn ảnh thờ. Nhưng My không chấp nhận mất chồng dễ dàng như thế.
“Khi nào anh ấy còn hơi thở là con không bỏ cuộc”, cô nói với mẹ chồng. Họ đợi thêm 10 ngày ở phòng chăm sóc đặc biệt. My được thăm chồng 20 phút mỗi ngày, chỉ biết vuốt bàn tay anh và cầu nguyện.
Sang tuần, cô ngỡ ngàng khi thấy chồng có dấu hiệu mở mắt. Anh chớp mắt nhìn chị, dòng nước mắt chảy dài. “Đừng lo, em không bao giờ bỏ anh”, My nói.
Yeon Hong trải qua thêm một cuộc phẫu thuật mở khí quản trong tình trạng chỉ sống thực vật. My gần như chuyển vào bệnh viện ở với chồng. Cô hút đờm, lau mình, theo dõi chỉ số, lấy thuốc cho chồng rồi về nhà đưa Min Ho đi học, tắm rửa, cho con ăn tối. Ngày làm việc hơn 12 tiếng, My kiệt sức, và cảm giác cô độc. Cô nhờ mẹ từ Việt Nam sang giúp nhưng visa của bà chỉ kéo dài được ba tháng.
Nửa năm trôi qua, gia đình Yeon Hong xót con dâu đầu tắt mặt tối trong khi con trai vẫn không có tiến triển. Anh chồng khuyên chuyển Yeon Hong vào bệnh viện dưỡng lão để được chăm sóc thay vì tiếp tục phác đồ điều trị không kết quả.
“Mẹ thương con nhưng cả con và Min Ho còn cuộc đời rất dài”, mẹ chồng nói với My. Nếu chọn hướng đó, cô và con sẽ được bồi thường khoản bảo hiểm
lớn, đủ để họ sống suốt đời.
Nhưng lần nữa, My không chấp nhận. Cô tin lời mẹ dạy trước khi sang Hàn rằng một ngày là vợ chồng thì cả đời cũng vậy, không bỏ nhau. Hơn nữa, My nói con trai đang lớn và có đủ nhận thức, cậu bé sẽ trưởng thành và học cách mẹ đối xử với bố.
“Tôi đã có người chồng tuyệt vời trong suốt 10 năm nên không thể bỏ anh ấy”, My nói.
Cùng thời điểm, gia đình cô từ Việt Nam gọi sang động viên rằng em trai sắp tốt nghiệp đại học, có việc làm, bố mẹ vẫn còn lao động được. “Không lẽ bốn người lớn không nuôi được đứa nhỏ”, mẹ My ủng hộ việc cô tiếp tục điều trị cho chồng. “Có bán tài sản cũng phải lo cho nó”.
Đầu 2024, Yeon Hong bắt đầu có ý thức nhưng vẫn không thể trò chuyện. Anh trải qua hàng chục lớp vật lý trị liệu, giữ thăng bằng, tập nói, tập nhìn, phân biệt màu sắc, giãn cơ. Những ngày đó vẫn chỉ một mình My túc trực, phụ bác sĩ nhấc người chồng nặng 95 kg lên máy tập.
Vài tuần sau, anh lại trải qua cơn nguy kịch, sốt cao phải cấp cứu trong đêm. Bác sĩ khuyên Yeon Hong chỉ có thể hồi phục với những môn nhẹ, bù lại thời gian dài hơn.
Ngày ở viện, tối My cặm cụi học thêm một số từ tiếng Hàn chuyên ngành y khoa để nghe bác sĩ nói. Trong lớp tâm lý người thân, bác sĩ khuyên cô phải tạo động lực tích cực cho chồng. My tự hứa sẽ không để ai thấy mình khóc nữa.
Mỗi ngày, cô mang đến cho Yeon Hong câu chuyện vui như Min Ho đi học thế nào, kể chuyện thời tiết bên ngoài, chuyện hàng xóm, họ hàng. Yeon Hong không đáp, chỉ có thể chớp mắt báo hiệu cho vợ biết là mình có nghe.
My hiểu đàn ông Hàn tự trọng cao, luôn cảm thấy có lỗi nếu phải để vợ con phải mất thời gian chăm lo, khổ sở. Cô liên tục kể những điều mình đã làm được khi không có chồng như hoàn thành giấy phép kinh doanh, họp phụ huynh để anh yên tâm hơn.
Sự nỗ lực của My được đền đáp khi sức khỏe của Yeon Hong ngày càng tiến triển. Đôi mắt của anh từng được chẩn đoán đã hỏng trở lại hoạt động bình thường. Tay cử động được, có lực và đang trong quá trình tập ăn.
Giữa tháng 11, bác sĩ đánh giá sự hồi phục của Yeon Hong là nhanh chóng và khả quan. Anh được gỡ ống dây tiểu đã gắn cả năm qua. Nhận thức anh đã hồi phục 100% trong khi những ca tương tự trước đó đều mất hết ký ức.
“Chỉ cần anh ấy còn sống một ngày, đó cũng phải là ngày trọn vẹn nhất”, My nói.
Ngọc Ngân
Theo VNexpress