Đó là trường hợp của anh S. (26 tuổi), nhân viên công nghệ thông tin (IT). Thời gian qua, anh đến một trung tâm sức khỏe nam giới ở TPHCM để kiểm tra chất lượng tinh trùng nhằm chuẩn bị lập gia đình. Kết quả kiểm tra lần này cho thấy số lượng và chất lượng tinh trùng của anh đều giảm so với thời điểm khám 2 năm trước.
Khai thác bệnh sử, anh S. chia sẻ bản thân có thói quen để laptop lên đùi làm việc tại nhà trong khoảng thời gian dài. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng nêu trên.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy đã tư vấn cho chàng trai thay đổi thói quen dùng laptop, kèm điều trị tích cực. 3 tháng sau đó, kết quả tinh dịch đồ của bệnh nhân cải thiện về số lượng, tinh trùng cũng di động nhanh hơn…
Theo bác sĩ Duy, một trong những yếu tố chính gây ra nguy cơ vô sinh từ laptop là nhiệt độ. Khi sử dụng laptop trên đùi trong thời gian dài, nhiệt độ từ thiết bị này có thể tăng lên đáng kể. Đối với nam giới, nhiệt độ quá cao có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn, nơi sản xuất tinh trùng.
Nhiệt độ tinh hoàn cần duy trì ở mức thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể khoảng 1-2 độ C để có thể sản xuất tinh trùng một cách hiệu quả. Khi tinh hoàn bị nóng quá mức, chất lượng và số lượng tinh trùng có thể giảm đi, dẫn đến nguy cơ vô sinh.
Kế đến, laptop phát ra sóng điện từ. Khi sử dụng liên tục, người dùng có thể tiếp xúc với lượng sóng điện từ này trong thời gian dài. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về việc sóng điện từ từ laptop gây ra vô sinh, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc lâu dài với sóng điện từ có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Bên cạnh đó, việc sử dụng laptop trong tư thế không đúng và kéo dài, như ngồi gập người hoặc để laptop trên đùi, có thể gây áp lực lên các cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến lưu thông máu và gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Tư thế ngồi không đúng cũng có thể dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống sinh sản.
Để giảm thiểu nguy cơ vô sinh do sử dụng laptop, bác sĩ khuyến cáo người dùng máy tính sử dụng bàn kê hoặc giá đỡ laptop, để giữ thiết bị ở một vị trí an toàn. Cố gắng sử dụng laptop trên bàn hoặc bề mặt phẳng để tránh tiếp xúc nhiệt độ cao với cơ thể.
Cần đặt laptop cách xa cơ thể ít nhất 20-30cm để giảm thiểu tiếp xúc với sóng điện từ, cũng như điều chỉnh tư thế ngồi (ngồi thẳng lưng, giữ đúng tư thế). Sau mỗi 30-60 phút sử dụng laptop, cần nghỉ ngơi để giảm căng thẳng và mệt mỏi.
Theo Dân Trí