Tiến sĩ Marni Armstrong, bác sĩ chuyên nghiên cứu về vận động học, tại Đại học Calgary (Canada), cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy đi bộ có thể mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể, bao gồm kiểm soát đường huyết tốt hơn cho người bệnh tiểu đường.
Chuyên gia Marni Armstrong nói thêm: Nghiên cứu cho thấy cho dù bạn có bị tiểu đường hay không, không hoạt động sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nhiều, theo Diabetes Canada.
Đặc biệt, đối với người bệnh tiểu đường, có 3 thời điểm đi bộ gặt hái lợi ích tối đa.
Bệnh tiểu đường và đi bộ nhanh
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa British Journal of Sports Medicine, đi bộ với tốc độ nhanh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy đi bộ với tốc độ 3,2 đến 5 km/giờ hoặc đi bộ nhanh giúp giảm 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, so với đi bộ bình thường với tốc độ dưới 3 km/giờ. Đặc biệt, đi nhanh hơn 6,4 km/giờ giúp giảm đến 39% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đi bộ nhanh giúp người bệnh tiểu đường như sau:
- Sử dụng insulin tốt hơn.
- Giảm căng thẳng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến đường huyết.
- Tăng sức bền, đốt cháy lượng calo dư thừa và giúp tim khỏe mạnh hơn, đi bộ càng nhanh càng có lợi.
- Ít rủi ro vì tác động thấp, dễ dàng cho các khớp.
- Có thể giúp cải thiện giấc ngủ.
Đi bộ vào buổi sáng đối với bệnh tiểu đường
Đi bộ nhanh vào buổi sáng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các bác sĩ khuyên nên đi bộ buổi sáng để điều trị bệnh tiểu đường.
Đi bộ buổi sáng trong 30 phút giúp duy trì mức đường trong máu hợp lý và kiểm soát insulin ở bệnh tiểu đường loại 2.
Đi bộ buổi sáng thường xuyên giúp kiểm soát đường huyết bằng cách điều chỉnh lượng insulin và glucagon trong cơ thể. Đi bộ cho phép các cơ sử dụng nhiều glucose hơn và giúp đốt cháy mỡ thừa, đồng thời chỉ số khối cơ thể cũng được cải thiện.
Đi bộ sau bữa ăn với bệnh tiểu đường
Trong khi đó, đi bộ sau bữa ăn hỗ trợ tiêu hóa và ổn định lượng đường trong máu tăng đột biến.
Chỉ cần đi bộ trong 2 phút sau bữa ăn là đủ để hỗ trợ tiêu hóa và cân bằng lượng đường trong máu tăng đột biến. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu Springer Nature, đi bộ 2 phút sau bữa ăn có thể giúp ổn định đường huyết. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời điểm tốt nhất để đi bộ là trong vòng 60 – 90 phút sau khi ăn, thời điểm lượng đường trong máu thường đạt mức cao nhất.
Vài lần đi bộ ngắn lúc rảnh cũng tuyệt vời
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thường xuyên tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa giờ để đi bộ ngắn, có thể giúp người bệnh tiểu đường giảm đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng, theo trang tin của Tổ chức về Bệnh tiểu đường Anh Diabetes UK.
Người bệnh tiểu đường cần chú ý gì khi đi bộ?
Người bệnh tiểu đường nếu đang dùng thuốc, nên kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi đi bộ. Cũng nên mang theo thuốc để phòng ngừa hạ đường huyết, đồng thời cho người thân biết mình đang dùng loại thuốc nào, theo Diabetes UK.
Nếu đi bộ nhanh trong hơn 1 giờ, có thể cần ăn nhẹ một lát bánh mì đen, hộp sữa chua không đường hoặc nửa trái chuối.
Tham khảo Báo Thanh Niên
#bac-si-chi-ra-3-thoi-diem-di-bo-cuc-tot-cho-nguoi-benh-tieu-duong