Người làm việc văn phòng ngồi hàng giờ với tư thế không đúng, cúi gập người về phía trước, gù lưng, nghiêng cổ nhiều do đặt màn hình máy tính không vừa tầm, sẽ tạo ra áp lực lớn lên những đĩa đệm giữa các đốt sống.
Bác sĩ Lý Minh Đăng, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, cho biết thói quen ngồi sai tư thế và thiết lập không gian làm việc không hợp lý có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó phổ biến nhất thoát vị đĩa đệm cột sống. Bệnh viện ghi nhận gần đây có sự gia tăng về số lượng nhân viên văn phòng mắc các bệnh lý liên quan đến cột sống như thoát vị đĩa đệm.
Tư thế ngồi không đúng, như việc ngồi cúi gập người về phía trước, gù lưng hoặc không giữ cột sống thẳng, sẽ tạo ra áp lực lớn lên các đĩa đệm giữa các đốt sống. Đĩa đệm, vốn có chức năng như lớp đệm giảm chấn giữa các đốt sống, có thể bị chèn ép, gây ra hiện tượng thoát vị đĩa đệm khi chúng bị đẩy lệch ra khỏi vị trí ban đầu.
“Khi màn hình máy tính được đặt quá thấp hoặc quá cao, người sử dụng buộc phải nghiêng cổ nhiều, dẫn đến căng thẳng không chỉ ở vùng cổ mà còn ở lưng trên”, bác sĩ phân tích. Sự căng thẳng này kéo dài sẽ làm tổn thương các cấu trúc cột sống và đĩa đệm, dẫn đến thoái hóa và gây đau.
Theo trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, nhận thức được các dấu hiệu của tư thế ngồi sai là bước quan trọng trong việc phòng ngừa thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý cột sống khác. Một số biểu hiện phổ biến của tư thế ngồi không đúng bao gồm vai bị gù hoặc cong về phía trước; cổ nghiêng về phía trước quá mức; lưng không được hỗ trợ đầy đủ, dẫn đến cảm giác mỏi và căng cơ; chân không đặt đúng vị trí, tạo áp lực lớn lên vùng lưng dưới.
Những biểu hiện này thường dẫn đến cảm giác đau nhức hoặc mỏi mệt ở vùng cổ, vai và lưng. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, chúng có thể gây ra tổn thương lâu dài cho cột sống, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Để phòng ngừa các vấn đề liên quan đến cột sống, việc cải thiện tư thế ngồi làm việc thông qua các giải pháp công thái học là rất cần thiết. Điều đầu tiên, bạn cần làm là sắp xếp không gian làm việc sao cho hợp lý và hỗ trợ tối đa cho tư thế tự nhiên của cơ thể.
Màn hình máy tính cần được đặt ngang hoặc thấp hơn một chút so với tầm mắt. Điều này giúp hạn chế việc nghiêng đầu về phía trước quá nhiều và giảm áp lực lên cột sống cổ. Nếu không có giá đỡ màn hình, bạn có thể sử dụng sách hoặc các vật dụng khác để nâng cao màn hình đến vị trí phù hợp.
Ghế ngồi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cột sống. Một chiếc ghế văn phòng tốt nên có khả năng điều chỉnh độ cao, có tựa lưng hỗ trợ đường cong tự nhiên của cột sống và đệm ngồi thoải mái. Khi ngồi, nên đảm bảo rằng lưng được dựa hoàn toàn vào ghế, vai thả lỏng và hai chân đặt phẳng trên sàn. Nếu bàn làm việc quá cao so với ghế, có thể sử dụng một kê chân để đảm bảo rằng đầu gối tạo góc 90 độ, giúp giảm áp lực lên phần dưới của lưng.
Ngoài ra, vị trí của bàn phím và chuột cũng cần được bố trí sao cho tay bạn có thể duy trì góc 90 độ tại khuỷu tay khi làm việc. Điều này giúp giảm căng thẳng cho cơ bắp vùng cánh tay và vai.
Mẹo nhỏ cải thiện tư thế cho dân văn phòng
Đôi khi, điều kiện văn phòng hoặc trang thiết bị không cho phép bạn thay đổi ngay lập tức tư thế ngồi. Có thể áp dụng một số mẹo như kê thêm sách hoặc hộp dưới màn hình máy tính nếu không có giá đỡ màn hình phù hợp.
Ngoài ra, đặt lời nhắc trên điện thoại hoặc máy tính để kiểm tra tư thế của mình sau mỗi giờ làm việc. Bạn cũng nên tận dụng thời gian nghỉ giải lao ngắn để đứng dậy, đi lại, thực hiện các bài tập giãn cơ đơn giản như nghiêng cổ, xoay vai, và kéo giãn lưng. Những động tác này sẽ giúp giảm căng thẳng cho cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ đau lưng.
Điều trị thoát vị đĩa đệm
Nếu đã gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm, việc điều trị sớm và đúng cách là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân thường được cho tập vật lý trị liệu giúp giảm đau, cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và tăng cường cơ bắp hỗ trợ cột sống. Các bài tập giãn cơ và tăng cường sức mạnh do chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn có thể giúp giảm áp lực lên đĩa đệm và giảm đau.
Điều chỉnh tư thế bằng cách duy trì tư thế ngồi, đứng và di chuyển đúng cách là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị. Việc thay đổi thói quen ngồi làm việc và điều chỉnh không gian làm việc phù hợp sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống và ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ hoặc chống viêm để kiểm soát các triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, việc dùng thuốc chỉ mang tính chất giảm triệu chứng tạm thời, và không thể thay thế cho việc điều trị tận gốc vấn đề.
Hiện nay một số nơi áp dụng kích thích từ trường ngoại biên (PMS) để giảm đau. Phương pháp này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, hoạt động bằng cách tạo ra các xung từ trường tác động trực tiếp lên các dây thần kinh và cơ bắp tại vùng bị tổn thương. Từ trường này ngăn chặn các tín hiệu đau truyền đến não, giúp giảm đau mà không cần sử dụng thuốc. Chúng còn kích thích sản xuất endorphin, chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, đồng thời cải thiện tuần hoàn máu tại khu vực bị tổn thương, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
Những trường hợp nghiêm trọng, khi các biện pháp điều trị không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật giúp loại bỏ phần đĩa đệm bị tổn thương hoặc giảm áp lực lên các dây thần kinh bị chèn ép, từ đó giảm đau và phục hồi chức năng cột sống.
Lê Phương
Tham khảo Vnexpress
#thoat-vi-dia-dem-cot-song-do-dat-sai-man-hinh-may-tinh